Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương và các doanh nghiệp (DN) trên cả nước đã chủ động được nguồn hàng và triển khai chương trình bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán 2023, không để tình trạng thiếu hụt khiến hàng hóa “phi mã”.
Nguồn hàng Tết đã sẵn sàng
Trao đổi với PV Lao Động, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market Việt Nam cho hay, sau 2 năm trầm lắng do dịch COVID-19, dự báo Tết Nguyên đán năm nay sẽ bùng nổ không khí vui tươi, phấn khởi, mua sắm kết hợp giải trí là xu hướng nổi bật của Tết 2023.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20%-30% so với Tết 2022 và tăng 40%-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt... tăng đến 100%.
“Dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10%-20% so với dịp Tết 2022. Từ vài tháng trước, chúng tôi đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định. Đối với thực phẩm tươi sống, chúng tôi đang theo dõi kỹ biến động của thị trường, nhưng vẫn luôn đảm bảo ở mức giá bình ổn thị trường” - bà Nga nói.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng Giám đốc Vissan - thông tin: Vissan đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỉ đồng nhằm dự trữ, sản xuất hàng Tết 2023, tăng 20% so với Tết năm trước. Số lượng hàng hóa chuẩn bị khoảng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, chủ yếu thịt lợn, tăng 30% so với Tết năm trước; 4.200 tấn thực phẩm chế biến sẵn, tăng khoảng 10%.
Aeon Việt Nam cũng đã làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hóa cho giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết. Dự kiến, đơn vị tăng từ 10-20% số lượng đối với các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm như giỏ quà Tết, đồ khô các loại, bánh kẹo, thời trang...
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh: TPHCM xác định nhiệm vụ trọng tâm là không chỉ đảm bảo nguồn cung dồi dào mà còn tạo điều kiện cao nhất để cắt giảm các khâu trung gian, đảm bảo để hàng hóa được lưu thông nhanh nhất đến tay người tiêu dùng.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 6.072 tỉ đồng, trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 khoảng 2.100 tỉ đồng.
Đối với mặt hàng “nóng” hiện nay là xăng dầu, sở đã giao cho 2 DN xăng dầu là Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ - CTCP và Công ty Xăng Dầu Sông Bé TNHH MTV đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh, với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10-12% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang cho biết, tổng giá trị hàng hóa tham gia dự trữ đạt trên 450 tỉ đồng, tăng 13% so với Tết năm 2022; trong đó, hàng hóa thiết yếu là 120 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm hơn 900 tấn gạo các loại, hơn 506 tấn đường, 698 tấn bột ngọt, hạt nêm.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị kinh doanh hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tổ chức cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 đăng ký kế hoạch dự trữ và bán hàng bình ổn thị trường...
Không để giá hàng hóa “nhảy múa” dịp Tết
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, 2 năm nay, chương trình bình ổn thị trường không chỉ thực hiện với các DN trên địa bàn Hà Nội mà còn phối hợp với cả các DN ở các tỉnh thành khác để Hà Nội luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa.
“Hiện nay, có 34 DN trên địa bàn Hà Nội và 16 DN ở các tỉnh thành khác tham gia chương trình bình ổn thị trường. Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ DN để đưa hàng vào hơn 12.000 điểm bán gồm 132 siêu thị, hơn 8.000 tổ hợp chuyên doanh, 1.200 sạp hàng tại chợ truyền thống” - bà Lan thông tin.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú cũng nhấn mạnh: Lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu của thị trường TPHCM đảm bảo chương trình bình ổn giá để không xảy ra tình trạng hàng hóa “phi mã” khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Theo đó, TPHCM phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác; đặc biệt là đẩy mạnh đối với các sản phẩm bình ổn thị trường; phối hợp với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra quản lý thị trường không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả…
Tại TP.Cần Thơ, đến nay đã có 17 DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỉ đồng, phục vụ trong giai đoạn từ tháng 10.2022 đến tháng 3.2023; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm 2022 là 998 tỉ đồng còn 3 tháng đầu năm 2023 là 1.237 tỉ đồng.
Thông tin về nguồn hàng hóa, nông sản phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Hiện tổng đàn lợn cả nước đã đạt 28,6 triệu con.
Bên cạnh đó, đàn trâu cả nước đạt 2,27 triệu con với lượng thịt hơi đạt 88.000 tấn; đàn bò đạt 6,41 triệu con với lượng thịt hơi đạt 349.000 tấn, sữa đạt trên 923.000 tấn; đàn dê đạt 2,66 triệu con; đàn cừu đạt 118.000 con; tổng đàn gia cầm đạt 533,4 triệu con với 1,47 triệu tấn, trứng đạt 13,4 tỉ quả...
“Việt Nam hoàn toàn đủ thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, thậm chí còn dồi dào để phục vụ xuất khẩu, không lo khan hàng, sốt giá trong dịp Tết” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thành Trung
Chưa cập nhật
Chưa cập nhật
G