Từ ngày 28/2 đến ngày 1/3/2024, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024). Thông tin được đưa ra tại cuộc họp giới thiệu về sự kiện vào sáng nay 23/2, do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) tổ chức.
Triển lãm quốc tế ngành dệt may tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối giao thương
VIATT 2024 có quy mô trên 500 gian hàng, trưng bày trên tổng diện tích 15.000 m2 của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Anh, Đức, Bun-ga-ry, Ý, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc...
Triển lãm sẽ có sự xuất hiện nổi bật của các khu gian hàng quốc gia/vùng lãnh thổ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Pakistan.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, VIATT 2024 là triển lãm thương mại quốc tế mang tầm khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong lĩnh vực chuyên ngành về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu. Mạng lưới này kết nối hơn 500.000 người tham gia từ khắp nơi trên thế giới tại 11 quốc gia, với hơn 50 hội chợ thương mại dệt may quốc tế.
Khu gian hàng thương hiệu quốc gia Việt Nam tại triển lãm lần này sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của triển lãm, nhằm giới thiệu tới khách tham quan Việt Nam và quốc tế thế mạnh thương hiệu ngành dệt may của Việt Nam.
Các ngành hàng trưng bày bao gồm: hàng may mặc, đồ dệt gia dụng, dệt may kỹ thuật và vải không dệt, công nghệ gia công dệt và in... Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới với nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa.
Với sự kết hợp của Bộ Công thương và Tập đoàn Messe Frankfurt, chương trình kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham gia kết nối giao thương với các doanh nghiệp quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất của các hãng dệt may toàn cầu, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng.
Đồng thời, khuyến khích các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu hình thành chuỗi cung ứng trong nước.
Khánh Hà
Chưa cập nhật
Chưa cập nhật
G