Sang phiên chiều 25/10, sức cầu bắt đáy tăng mạnh đã kéo nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng trở lại, một số từ giảm mạnh sang tăng trần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/10, chỉ số VN-Index tăng 11,55 điểm lên 997,7 điểm. HNX-Index giảm 1,48 điểm xuống 208,02 điểm. Thanh khoản tăng khá mạnh so với phiên liền trước lên 12,6 nghìn tỷ trên HOSE.
Sau khi tụt giảm mạnh vào nửa đầu buổi sáng, tới gần cuối phiên giao dịch sáng 25/10, sức cầu bắt đáy giúp chỉ số VN-Index chỉ còn giảm khoảng 6 điểm xuống 980 điểm.
Mở cửa phiên giao dịch 25/10, hầu hết các cổ phiếu trụ cột tiếp tục giảm, qua đó tác động tiêu cực lên thị trường chung.
Nhiều cổ phiếu bất động sản giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nhà Khang Điền (KDH) giảm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm rất mạnh.
Tính tới 10h26, VN-Index giảm khoảng 23 điểm xuống 963 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trong gần 2 năm qua và tương đương thời điểm đại dịch Covid lần đầu xuất hiện tại Việt Nam hồi giữa tháng 1/2020.
Trên sàn HOSE có khoảng 110 mã cổ phiếu giảm hết biên độ 7% cho phép.
Trong 2 phiên trước đó, VN-Index đều giảm trên 3%/phiên.
Thanh khoản nhìn chung ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 9.000-10.000 tỷ đồng/phiên trên sàn HOSE, bằng khoảng 30-40% so với thời kỳ sôi động trong năm 2021 và quý I/2022.
Với những phiên giảm điểm mạnh liên tiếp, nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE với các mã ngân hàng, chứng khoán (SSI, VND), thép (HPG)… đã về gần giá trị số sách, chỉ số P/B xấp xỉ 1 lần - ngang mức trong những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng trước đó.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm cho dù tăng trưởng kinh tế ở mức cao và lạm phát tháng 9 ở mức thấp, 3,94% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận quý III/2022 tăng mạnh.
Về dài hạn, thị trường chứng khoán được dự báo lạc quan nhưng có thể còn phải đối mặt với nhiều sóng gió trong ngắn hạn. Thị trường đang chiết khấu cho rủi ro chưa được làm rõ ở phía trước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 25/10 bắt đầu nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tái chiết khấu được tăng từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm…
Gần đây, tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Đồng USD tại Vietcombank đã tăng gần 8,6% so với đồng năm, từ mức 24.010 đồng/USD (bán ra) hồi đầu năm 2022 lên mức 24.888 đồng/USD (sáng 25/10).
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), khi tỷ giá tăng mạnh, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên vật liệu đầu vào ít phụ thuộc vào nhập khẩu có thể sẽ được hưởng lợi do nguồn thu từ ngoại tệ khi quy đổi sang VND sẽ tăng lên sau khi VND giảm giá.
Trong khi đó, một số ngành hàng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và vay nợ bằng USD sẽ chịu tác động tiêu cực.
Chứng khoán MBS cho rằng, việc thị trường để mất ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sau 2 năm khiến tâm lý của nhiều nhà đầu tư vốn đã yếu có thể trở nên bi quan hơn.
Còn theo KBSV, vùng hỗ trợ gần quanh 950 (+/-10) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của VN-Index và KBSV kỳ vọng có thể xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật tại đây.
P.V