Đây là chương trình thường niên do Viện Goethe (Goethe-Institut) tổ chức, phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM và hệ thống trường Inspire.
Trong lần thứ 14 tổ chức tại Việt Nam, năm nay sự kiện sẽ trình chiếu 20 bộ phim từ 11 quốc gia trên khắp các tỉnh thành.
Một số phim đáng chú ý có thể kể đến: Ngôi nhà của các khoa học gia nhí – Muối (Thái Lan) kể về câu chuyện các nhà khoa học nhỏ tuổi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu thú vị tới ruộng lúa nhưng không có cây lúa nào, chỉ toàn nước biển. Chín-phút-rưỡi: Khí hydro – Liệu đó có thể là năng lượng xanh cho tương lai? (Đức) đề cập đến câu chuyện trong tương lai, nguồn nhiên liệu này có triển vọng cung cấp năng lượng cho nhân loại và thay thế các nhiên liệu hóa thạch gây hại cho khí hậu. E.C.O. Agents – All Toys (Đức, Colombia) với câu chuyện về những người hùng trẻ tuổi có nhiệm vụ cứu Trái đất…
Chủ đề của LHP năm nay nằm trong mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris, việc nhanh chóng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 là điều bắt buộc. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow vào năm 2021, Việt Nam đã cam kết về việc sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào thời điểm năm 2050.
Chính vì thế cần phải cổ vũ mạnh mẽ việc tái sử dụng và tái chế sản phẩm, ưu tiên chia sẻ, sửa chữa các vật liệu và sản phẩm hiện có. Nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm thiểu sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tàn phá cảnh quan và môi trường sống, đồng thời hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đại diện BTC, bên cạnh trẻ em ở mọi lứa tuổi và thanh thiếu niên, LHP khoa học còn hướng tới đối tượng là quý thầy cô hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, PTTH trên toàn lãnh thổ Việt Nam.