“Bước tạo đà” năm 2022

Trong năm 2022, sau khi từng bước kiểm soát dịch Covid-19, TP Hà Nội và cả nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt kết quả rất đáng kể.

Tại Hà Nội, kinh tế-xã hội tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Điều này có được là nhờ sự nhận định đúng thời cơ của Thành ủy, UBND thành phố vào thời điểm đầu năm 2022. Mặc dù dịch Covid-19 thời điểm đó còn diễn biến phức tạp, nhưng Hà Nội chủ động đặt ra những mục tiêu khá cao để phấn đấu.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc TP Hà Nội kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn sớm mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới và du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3-2022 là bước ngoặt để Thủ đô phục hồi kinh tế.

Cùng với việc tổ chức thành công SEA Games 31 tại Hà Nội và Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X cũng là những cú hích đáng kể.

Hà Nội phấn đấu phát triển bứt phá trong năm 2023
Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19, TP Hà Nội đã có năm hồi phục kinh tế-xã hội ấn tượng. 

Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề của năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, với nhiệm vụ trọng tâm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”.

Với tư duy phát triển, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, đề ra những giải pháp cho từng thời điểm cụ thể, đi kèm với những chính sách, cơ chế để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Thủ đô đã triển khai tốt nhiều vấn đề mới như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; rà soát tổng thể và toàn diện các lĩnh vực, địa bàn để xây dựng và triển khai Đề án phân cấp, ủy quyền; kế hoạch đầu tư đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa...

Những nỗ lực đó đã thể hiện bằng các con số cụ thể như: GRDP quý sau tăng cao hơn quý trước, cả năm 2022 tăng 8,89%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ với 4 đồ án quy hoạch quan trọng; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận nội đô lịch sử; tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận. Thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 130 khu đất với tổng diện tích 136,5ha.

Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai theo Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố. Trong đó, 213 dự án đã được xử lý, 191 dự án còn lại phân thành 9 nhóm, phân công các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng phát triển. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực văn hóa và con người của Thủ đô.

Song hành với công tác triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, thành phố phê duyệt kế hoạch nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức vốn 49.203,4 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo thực hiện 1.469 dự án. Giai đoạn 2021 - 2022, trên địa bàn đã có 143 trường học công lập được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia; 150 cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp; 181 di tích được tu bổ, tôn tạo; 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 114 di tích cấp quốc gia; 63 di tích cấp địa phương.

Để tạo động lực phát triển, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 183.000 lao động, vượt 14,3% kế hoạch; hỗ trợ trên 1.400 hộ thoát nghèo, 6.670 hộ thoát cận nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân.

Gỡ vướng chính sách để thu hút đầu tư

Khi xác định nội lực của nền kinh tế cần có sự cố gắng lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, TP Hà Nội đã xác định một trong các mục tiêu trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ đó, trong năm 2022, TP Hà Nội đã thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2022, toàn thành phố thu hút trên 1.540 triệu USD vốn đầu tư, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, TP Hà Nội đã thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng cho trên 72.000 đơn vị, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế được giảm trên 13.000 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho gần 19.000 đơn vị, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 12.000 tỷ đồng…

Trong năm 2022, Cục Thuế TP Hà Nội cũng tổ chức hai hội nghị đối thoại trực tuyến với sự tham gia của hơn 196.000 doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp nhận và giải đáp kịp thời hơn 500 câu hỏi của doanh nghiệp, người nộp thuế.

Hà Nội phấn đấu phát triển bứt phá trong năm 2023
Các vấn đề tháo gỡ rào cản chính sách, ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, xã hội luôn được các cấp chính quyền Thủ đô ghi nhận và xử lý nhanh chóng, hiệu quả. 

Đặc biệt, trong đầu tháng 12-2022, TP Hà Nội đã tổ chức đối thoại, lắng nghe các doanh nghiệp trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về vấn đề tài chính, tiền tệ, tín dụng để cùng tháo gỡ, thể hiện tinh thần “đứng cạnh, đi cùng” các doanh nghiệp. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, TP Hà Nội sẽ có báo cáo Chính phủ để có giải pháp giải quyết kịp thời, quyết liệt hơn.

Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022 diễn ra trong tháng 12-2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, Thủ đô đang tăng cường phân cấp thủ tục hành chính cho các cấp dưới để thủ tục “gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất”. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố có sự phân cấp quyết liệt đến vậy và kỳ vọng sẽ giải tỏa bức xúc cho doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính với sự hỗ trợ của chính quyền số.

Với những kết quả đạt được trong năm 2022, năm 2023 được kỳ vọng là năm phát triển bứt phá của TP Hà Nội, những cũng ẩn chứa nhiều thách thức. Để đạt được mục tiêu phát triển theo kế hoạch, thành phố cần đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và sự chung tay, góp sức, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn đánh giá: "Năm 2023, tổng dự toán thu nội địa của thành phố được giao là 325.902 tỷ đồng, tăng 7,2% so với ước thực hiện năm 2022. Với mức giao dự toán tăng mạnh như trên, toàn TP sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước ngay cả trong điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi”.

Bài, ảnh: NGỌC HUY