Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024, do Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến diễn ra ngày 6/12/2024, tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu quay lại đà tăng trưởng.
Tại diễn đàn, đại diện ban tổ chức cho biết, theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ (US Census of Bureau), tính đến hết tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hoa Kỳ đạt khoảng 109,1 tỷ USD, tăng 20,13% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 99,9 tỷ USD, chiếm 4,13% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 19,4% (so với cùng kỳ năm 2023); nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 29,1%.
Xuất khẩu 10 tháng năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục là trường lớn nhất của Việt Nam
Tính đến hết tháng 9/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 99,9 tỷ USD
Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 90,6 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc, với 217,5 tỷ USD và Mexico, với 125,5 tỷ USD). Nhìn chung, so với cùng thời điểm của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh mẽ và dần quay lại đà tăng trưởng ổn định như năm 2022.
Hiện các mặt hàng trong top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt phải kể tới là: đồ gỗ nội thất, tăng 23,9%; đạt giá trị 9,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế tăng 15,6%; đạt giá trị 1,18 tỷ USD; máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực... tăng 78,5%; đạt giá trị 20,6 tỷ USD; giày dép, tăng 14,0%, đạt giá trị 6,7 tỷ USD;…
Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông,… Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 12, với tổng số vốn đăng ký khoảng 223,7 triệu USD cho 92 dự án cấp mới.
Ngoài ra, lũy kế đến ngày 31/10/2024, Việt Nam có 41.501 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 492,3 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 316,76 tỷ USD, bằng 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn
Hoa Kỳ đứng vị trí số 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, với 1.409 dự án và tổng vốn đăng ký là xấp xỉ 12 tỷ USD.
Cơ hội và thách thức
Cũng tại diễn đàn, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua đã đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Theo đó, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Nhiều cơ hội và thách thức trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Dương.
Việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ông Tạ Hoàng Linh cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào kỷ nguyên mới, được định hình bởi những thay đổi mang tính đột phá chưa từng có, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số… đã tạo cơ hội phát triển to lớn cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, thị trường thế giới luôn tiềm ẩn nhiều biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi quốc gia cần nhận thức đầy đủ và nỗ lực hợp tác để xử lý hiệu quả.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), nhận diện một cách rõ ràng những thách thức hiện hữu sẽ là cơ sở quan trọng để khởi động thành công cho những hướng hợp tác mới, tương xứng với tầm nhìn của lãnh đạo hai nước về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thời gian tới, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ cần phối hợp chặt chẽ để tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện thông qua: Tăng cường hoạt động đối thoại chính sách kinh tế, thương mại ở các cấp để tiếp tục củng cố lòng tin chiến lược, giảm thiểu khác biệt; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên; tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh, an toàn chuỗi cung ứng; hợp tác nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty Hoa Kỳ; triển khai hiệu quả các thỏa thuận kinh tế, thương mại đã ký kết. Đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, đóng vai trò nền tảng cho mục tiêu mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Theo bà Anne Benjaminson - quyền Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ đang hợp tác với Việt Nam để phát triển lĩnh vực thương mại số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể bán sản phẩm trực tuyến và tiếp cận các thị trường mới.
Một ví dụ điển hình cho nỗ lực này là Biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công thương nhằm thực hiện một chương trình trị giá 3,2 triệu USD tập trung vào đẩy mạnh hoạt động thương mại số. Dù có rất nhiều cơ hội đầy hứa hẹn, song các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: chậm trễ do thủ tục hành chính, tiến độ chuyển đổi năng lượng không như mong đợi. Do đó, cần cải thiện các vấn đề này để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.“Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại, vốn là xương sống của mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Như ngài Ngoại trưởng Blinken vừa phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam, “sự hợp tác giữa hai nước và quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp của chúng ta đang rất sôi động, mạnh mẽ và bền chặt hơn bao giờ hết”. Hãy cùng nhau hợp tác hơn nữa để mang lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho nhân dân hai nước, Hoa Kỳ và Việt Nam” - bà Anne Benjaminson cho biết thêm.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia đã cung cấp thông tin cập nhật về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ, từ đó đưa ra khuyến nghị, giải pháp và định hướng để doanh nghiệp có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen; góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.
Các diễn giả khách mời cũng đưa ra những bình luận sâu sắc về xu hướng chính sách mới của Hoa Kỳ và Việt Nam; đánh giá dưới góc độ chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu song phương; triển vọng của nền kinh tế số và vấn đề chuyển đổi năng lượng; chia sẻ về phương thức tiếp cận, phát triển thị trường; xây dựng năng lực, đáp ứng yêu cầu, quy định kỹ thuật của thị trường Hoa Kỳ; khuyến nghị giải pháp tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ.
Khánh Hà
Chưa cập nhật
Chưa cập nhật
G